Phương pháp xây dựng bảng giá trị vốn hóa cho startup

Doanh nghiệp của bạn được định giá là 1.000.000$ trước khi đầu tư.

Bắt đầu khởi nghiệp từ rất sớm và trải qua các giai đoạn khác nhau trong việc xây dựng doanh nghiệp, doanh nhân Tạ Minh Tuấn đã tổng kết thành nhiều bài học cho các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam.

Trong rất nhiều chủ đề về khởi nghiệp, việc xây dựng bảng giá trị vốn hóa cho doanh nghiệp là bài toán rất quan trọng và thiết thực đối với mỗi Start-up. Bài viết từ doanh nhân Tạ Minh Tuấn sau đây sẽ là cẩm nang hữu ích cho các doanh nhân khởi nghiệp.

Doanh nhân Tạ Minh Tuấn thường xuyên chia sẻ về các vấn đề khởi nghiệp tại Việt Nam

Nội dung việc xây dựng bảng giá trị vốn hóa cho doanh nghiệp của bạn:

Bảng giá trị vốn hóa là một công cụ không thể thiếu khi bạn huy động vốn, điều hành và kiểm soát doanh nghiệp. Đừng nên giao khoán việc lập bảng này cho nhân sự tài chính, hay các luật sư về đầu tư (vì chưa thông dụng tại Việt Nam). Việc hiểu và xây dựng bảng này chính là trách nhiệm của bạn – một doanh nhân.

Bảng này giúp cho bạn biết được các chủ sở hữu và phần sở hữu của họ với công ty, trước và sau một vòng đầu tư. Nó cũng giúp bạn kiểm soát hiện trạng để từ đó ra quyết định gọi vốn các vòng tiếp theo, sắp xếp phần sở hữu của các nhà đầu tư, từ đó có thể quản lý được chiến lược đầu tư của mình theo nhiều vòng.

Một doanh nghiệp sẽ có nhiều vòng gọi vốn khác nhau. Một doanh nhân có thể đi từ giai đoạn “chỉ có ý tưởng” (hoặc ý niệm về những gì mình sẽ làm) sang “đã có sản phẩm mẫu”. Nhưng khi cần thêm tiền để bước vào giai đoạn “chính thức sản xuất hàng loạt hoặc marketing rầm rộ để phân phối sản phẩm, kéo người dùng về dịch vụ/phần mềm/apps…”, bạn gọi vốn ở lần đầu tiên, vòng gọi vốn này thường được gọi là “Gọi vốn hạt giống”. Giai đoạn này các Nhà đầu tư cá nhân thường tham gia vào nhiều hơn là Quỹ đầu tư (kể cả Quỹ đầu tư mạo hiểm cũng ít khi tham gia vào từ giai đoạn rất sớm này, trừ những thị trường mới nổi, đang rất “sốt” và quỹ vừa được giải ngân một nguồn vốn dồi dào).

Khi doanh nghiệp sử dụng hết lượng tiền ở giai đoạn đầu, theo kế hoạch họ bước vào vòng gọi vốn thứ 2, vòng này thường được gọi là “Serie A”. Vòng gọi vốn tiếp theo nữa sẽ được gọi là “Serie B”, rồi “Serie C”, “Serie D”…

Cứ sau mỗi vòng gọi vốn, thì giá trị vốn hóa doanh nghiệp của bạn lại thay đổi. Vì sao? Vì có thể lúc này tình hình kinh doanh của bạn đã thay đổi. Có thể bạn vừa trải qua khủng hoảng, có thể bạn đã có thêm Users/ Khách hàng, doanh số của bạn đã cao hơn, bạn bắt đầu có lợi nhuận, bạn nghiên cứu ra những công nghệ mới, thương hiệu của bạn được biết đến rộng rãi hơn… Và khi một nhà đầu tư mới nhảy vào, điều này sẽ “pha loãng” cổ phần của các nhà đầu tư hiện tại, nó cũng dẫn đến sự thay đổi về bảng giá trị vốn hóa vì doanh nghiệp của bạn được “bơm” thêm tiền mặt. Vì vậy, lúc này giá trị doanh nghiệp của bạn đã thay đổi do có thêm tiền của nhà đầu tư, nên cần phân biệt giữa: “Giá trị doanh nghiệp trước khi đầu tư” so với “Giá trị doanh nghiệp sau khi đầu tư”.

Tất cả những giá trị như ý tưởng, sản phẩm ban đầu, ban điều hành, số lượng users/ khách hàng, doanh số, lợi nhuận, công nghệ, thương hiệu, database… do đội ngũ sáng lập của doanh nghiệp mang lại, do vậy họ xứng đáng được chuyển hóa những công sức đó thành quyền sở hữu một lượng cổ phần lớn của công ty. Lượng cổ phần này được gọi là cổ phần do nhà sáng lập nắm giữ.
Để chiêu mộ và gắn kết thêm hiền tài trong tương lai, bạn muốn dành ra một quỹ dự phòng thưởng cổ phần cho nhân viên, quỹ này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vì nó sẽ “pha loãng” giá trị cổ phần của cả nhà sáng lập lẫn nhà đầu tư. Quỹ này gọi là quỹ quyền chọn dành cho nhân viên.

Giả sử:

– Doanh nghiệp của bạn được định giá là 1.000.000$ trước khi đầu tư.

– Bạn thống nhất với nhà đầu tư rằng quỹ quyền chọn cho nhân viên chiếm 20% giá trị doanh nghiệp sau khi góp vốn.

– Các nhà đầu tư mới sẽ đầu tư tiền mặt vào doanh nghiệp của bạn là 500.000$.

– Số lượng cổ phiếu mà nhóm sáng lập nắm giữ trước khi các nhà đầu tư góp vốn là 1.000.000 cổ phiếu.

Ta có các bước tính toán sau:

1. Giá trị doanh nghiệp sau khi góp vốn = 1.000.000$ (giá trị trước khi góp vốn) + 500.000$ (giá trị tiền mặt đầu tư) = 1.500.000$

2. Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư = 500.000$ / 1.500.000$ = 33.33%

3. Tỷ lệ sở hữu của nhóm sáng lập = 100% – 33.33% – 20% (quỹ quyền chọn dành cho nhân viên) = 46.67%

4. Tổng số cổ phiếu lưu hành = (1.000.000 / 46.67) x 100 = 2.142.704 (cổ phiếu) (Giải thích: Vì 1.000.000 cổ phiếu của nhà sáng lập đang tương đương với 46.67% cổ phần, nên áp dụng quy tắc tăng suất, ta tính ra 100% cổ phần cả công ty tương đương với bao nhiêu cổ phiếu).

5. Vì ta đã biết tổng số cổ phiếu lưu hành nên có thể tính ra: Số lượng cổ phiếu trong quỹ quyền chọn dành cho nhân viên = 2.142.704 cổ phiếu x 20% = 428.541 cổ phiếu.

6. Số cổ phiếu mà nhà đầu tư có = 2.142.074 cổ phiếu x 33.33% = 713.953 cổ phiếu

7. Do 500.000$ mua được 713.953 cổ phiếu, nên giá mỗi cổ phiếu ở thời điểm này của doanh nghiệp = 500.000$ / 713.953 cổ phiếu = 0.7$ / cổ phiếu

8. Thử kiểm tra lại: (Số cổ phiếu nhà sáng lập giữ + số cổ phiếu quỹ quyền chọn cho nhân viên) x giá một cổ phiếu = Giá trị doanh nghiệp trước khi đầu tư. Tức là:

(1.000.000 + 428.541) x 0.7 = 999.978,7$ (khoảng chênh lệch: 21.3$)

Như vậy tính toán của bạn là chính xác.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *